Nguyễn Hoàng Điệp – nữ đạo diễn táo bạo và dữ dội – đã thổi hồn cho “1982“ bằng một thế giới đầy giằng xé, nơi hiện thực và huyễn tưởng đan cài. Đỗ Thị Hải Yến – nàng thơ của điện ảnh Việt – mang đến sự sống cho nhân vật qua vẻ đẹp thuần khiết và sức mạnh nội tâm. Và phía sau họ là sự bảo trợ từ Menard – thương hiệu luôn tôn vinh vẻ đẹp bền vững và chân thực. “1982“ là sự cộng hưởng hoàn hảo của điện ảnh, thế giới quan tao nhã và sức mạnh nữ giới.
Nguyễn Hoàng Điệp – Điện ảnh là hành trình chinh phục đại chúng
Nguyễn Hoàng Điệp là một trong số ít những nữ đạo diễn của điện ảnh Việt Nam. Khi được hỏi về sự bất bình đẳng giới trong ngành công nghiệp điện ảnh, chị trả lời đầy thẳng thắn: “Điện ảnh nói chung là không công bằng, với tất cả, chứ không riêng với phụ nữ. Phụ nữ chịu bất công ở nhiều lĩnh vực, nhưng nghĩ nhiều về điều đó không giúp tôi làm được nhiều phim hơn. Tôi buộc phải giữ mình thật vững chãi để tập trung cho điện ảnh. Tôi không thấy vui lắm nếu mình vượt qua các đồng nghiệp nam, nhưng nếu tôi tụt hậu so với chính bản thân mình – thì đó mới là vấn đề lớn”. Chị không ngần ngại khi được hỏi liệu có muốn làm một bộ phim phá kỷ lục phòng vé: “Lúc nào tôi cũng muốn làm một bộ phim thật ăn khách. Nhưng nó không nhất thiết phải là một phim thương mại. Tôi muốn làm một bộ phim báo thù – vừa hài vừa đẫm máu – nhưng vẫn xoay quanh thế giới của chị em phụ nữ. Chừng nào tôi chưa làm ra được chất hiện thực của cảm giác, chừng đó tôi chưa thực sự làm phim”.


Với “1982“, Nguyễn Hoàng Điệp ví mình như một người mẹ đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ. Không còn quay lại được nữa – chỉ có thể chăm chút, nâng niu và chờ đợi thành quả ra đời. “Tôi đã khởi đầu “1982“ với một âm mưu đơn giản – làm một bộ phim tiết kiệm, dễ dàng, chỉ để thoát khỏi nỗi ám ảnh chờ đợi. Nhưng càng đi sâu, “1982“ càng hiện ra với đầy đủ thách thức của một dự án nghệ thuật tối giản nhưng đầy nội lực. Và tôi thích điều đó”.
Đỗ Thị Hải Yến – Nàng thơ quay lại với điện ảnh sau 8 năm xa cách
8 năm rời xa màn bạc, Đỗ Thị Hải Yến đã có thể chọn một cuộc sống bình yên bên gia đình, nhưng điện ảnh luôn là tín ngưỡng không thể buông bỏ.
“Khi gặp kịch bản của “1982“, tôi biết mình không thể từ chối. Một phần là vì các con tôi đã lớn, nhưng quan trọng hơn là vì tôi đã tìm thấy tri kỷ trong Hoàng Điệp. Lòng tin là thứ cho tôi sức mạnh để dấn thân vào hành trình này”.


Đỗ Thị Hải Yến ví đóng phim như một loại thuốc phiện. “Tôi có thể làm việc 24 tiếng một ngày mà không thấy mệt. Nếu không có “1982“, tôi sẽ không bao giờ biết có những cuộc đời trăn trở đến thế”.
Nhưng đóng phim khi đã bước sang tuổi 40 là một lựa chọn không dễ dàng. Áp lực tuổi tác trong ngành điện ảnh vẫn là một nỗi ám ảnh đối với các nữ diễn viên nhưng có lẽ, Hải Yến thì khác. “Tôi nghĩ trong một bộ phim, chúng ta cần nhiều nhân vật ở các độ tuổi khác nhau. Nếu không phải ở tuổi này, tôi đã không đủ trải nghiệm để nhận vai diễn trong ”1982” – với tất cả những nếp nhăn và sự thẳng thắn của bản thân”.
Không chỉ là tuổi tác, vẻ đẹp cũng là áp lực vô hình. “Phụ nữ trong ngành điện ảnh không chỉ bị đánh giá qua diễn xuất, mà còn qua vẻ ngoài. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải biết yêu thương bản thân mình trước đã. Khi bạn hài lòng với chính mình, bạn sẽ thấy xung quanh toàn là những điều đáng yêu”.


Trong “1982“, Hải Yến gần như không trang điểm. Ánh sáng tự nhiên, những phân đoạn dài 10 – 15 phút quay liên tục – tất cả đều đòi hỏi vẻ đẹp chân thực và nội tâm mạnh mẽ. “Tôi sử dụng dòng chống lão hóa Embellir của Menard – đặc biệt là sản phẩm dưỡng mắt – vì ánh mắt là thứ không thể giả vờ. Nếu bạn không thực sự hạnh phúc, đôi mắt sẽ nói ra tất cả”.
Chị Lê Thanh Hương – Khi nghệ thuật và vẻ đẹp đồng hành
Với chị Lê Thanh Hương – Tổng Giám đốc Menard Việt Nam, “1982“ là sự cộng hưởng hoàn hảo giữa nghệ thuật và vẻ đẹp.
“Khi xem kịch bản “1982“, tôi biết Menard phải đồng hành cùng bộ phim này. Đó là câu chuyện về Hà Nội – nơi lưu giữ ký ức và những thay đổi, nơi con người đối diện với trùng điệp biến động của thời gian. Trải nghiệm ấy chạm vào tôi sâu sắc, bởi tôi tin rằng phụ nữ đẹp nhất là khi họ được sống trọn vẹn, được cống hiến và được nâng đỡ lẫn nhau”.


Nhưng vẻ đẹp không đến từ sự hoàn hảo. Chị Lê Thanh Hương tin vào triết lý Kintsugi của Nhật Bản – nơi những món đồ gốm vỡ được hàn gắn bằng vàng, để lằn nứt trở thành dấu ấn của tái sinh.
“Phụ nữ cũng vậy. Chúng ta đẹp nhất khi chấp nhận và trân trọng những vết thương của mình. Chính những đường nứt ấy làm nên bản sắc và vẻ đẹp riêng tư”.
”1982” – Vì tin mà ở lại
“1982“ là sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu – của người đạo diễn tìm kiếm cảm giác, của nữ diễn viên sống hết mình vì nghệ thuật, và của Menard – người đồng hành lặng lẽ nhưng bền bỉ, nâng niu từng thước phim như một biểu tượng của vẻ đẹp vượt thời gian.


Bởi vì điện ảnh – cũng như vẻ đẹp – chỉ thực sự chạm đến trái tim khi được nuôi dưỡng từ tình yêu và gặp gỡ thấu suốt không lời.
Tri kỷ – là người nhìn thấy tất cả những vết nứt trong tâm hồn nhau, nhưng thay vì né tránh hay che đậy, ta sẽ nhẹ nhàng tô vàng lên đó – biến những đau thương thành thước phim cuộc đời.
Nhóm thực hiện
Bài: An Nhi
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE