Thay vì mải mê theo đuổi những mối quan hệ không có tương lai, việc nhận diện và đánh giá độ bền vững của chúng sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, công sức và năng lượng, từ đó hướng đến những giá trị tích cực và lâu dài hơn. Hãy cùng ELLE khám phá quy tắc 3-6-9 để có thể tìm thấy tiềm năng phát triển của các mối quan hệ trong cuộc sống nhé!
Quy tắc 3-6-9 là gì?
Quy tắc 3-6-9 trong một mối quan hệ là cách bạn tiếp cận, quan sát và đánh giá sự phát triển tình cảm theo từng cột mốc thời gian quan trọng, từ đó tạo điều kiện để bạn nhìn nhận đối phương một cách rõ ràng hơn về sự hòa hợp và tiềm năng cùng nhau tiến đến chuyện lâu dài. Quy tắc này có 3 giai đoạn tương ứng: 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng.


Khi mới yêu, cảm xúc lãng mạn mãnh liệt thường đóng vai trò chủ đạo trong mối quan hệ. Đây là giai đoạn các hormone hạnh phúc như dopamine và oxytocin được tiết ra nhiều hơn, tạo nên cảm giác hưng phấn, khiến chúng ta dễ dàng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo hoặc những khía cạnh không phù hợp của đối phương. Vì vậy, mỗi giai đoạn trong quy tắc 3-6-9 đóng vai trò như một “bài kiểm tra” giúp bạn hiểu rõ hơn về đối phương và chính bản thân mình, tránh việc đưa ra những quyết định vội vàng, dẫn đến những kết quả không mong muốn về sau.
BÀI LIÊN QUAN
3 giai đoạn phổ biến trong quy tắc 3-6-9
Việc bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo trong một mối quan hệ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng khi bạn quyết định tiến xa hơn cùng người ấy. Ví dụ, bạn có thể cảm thấy đối phương hoàn hảo chỉ vì họ ngọt ngào hoặc cuốn hút, nhưng lại không nhận ra những khác biệt về giá trị sống hay thói quen trong thời gian “cảm nắng”. Dưới đây là ba giai đoạn phổ biến trong quy tắc 3-6-9 bạn có thể tham khảo để đối chiếu với mối quan hệ của chính mình:
Giai đoạn mật ngọt (3 tháng đầu tiên)
Giai đoạn đầu của một mối quan hệ thường là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt. Đây là lúc cả hai bên đang trong quá trình khám phá và tìm hiểu nhau, vì vậy cảm xúc và những trải nghiệm mới mẻ sẽ khiến mọi thứ trở nên thú vị và tràn đầy hạnh phúc. Trong ba tháng đầu tiên của việc hẹn hò, bạn và đối phương sẽ dành nhiều thời gian để làm quen và tận hưởng những khoảnh khắc bên nhau. Các buổi hẹn hò sẽ diễn ra khá thường xuyên, như đi ăn tối, xem phim, dành thời gian trò chuyện… và đây là lúc bạn cảm nhận rõ ràng về kết nối giữa hai người.


Mục tiêu chính của giai đoạn này là cả hai sẽ cùng nhau xác định xem cảm xúc của mình dành cho nhau có thật sự sâu đậm hay không. Bạn sẽ tự hỏi liệu bạn có thực sự yêu thích người này hay liệu họ có mang lại cảm giác hạnh phúc cho bạn không. Đồng thời, đây là lúc bạn hiểu rõ hơn về những gì đối phương mong muốn trong một mối quan hệ và xem xét quan điểm và kỳ vọng của cả hai.
Khoảng thời gian này có thể sẽ xảy ra một vài mâu thuẫn nhỏ hoặc bất đồng không đáng kể, thường là điều tự nhiên trong bất kỳ mối quan hệ nào. Quan trọng là bạn và đối phương có thể giải quyết chúng một cách nhẹ nhàng và không để những vấn đề nhỏ làm rạn nứt mối quan hệ.
Xem thêm:
• 4 kiểu mối quan hệ độc hại bạn nên loại bỏ trong năm 2025
• 6 thói quen của người lạc quan giúp họ vượt qua những thời khắc khó khăn
• 9 bài tập hiệu quả giúp bạn đối phó với tình trạng overthinking
Giai đoạn xung đột (6 tháng)
Sau khoảng ba tháng, những cảm giác lãng mạn ban đầu sẽ bắt đầu giảm dần, khiến bạn có thể nhận ra mối quan hệ không còn hoàn hảo như trước. Lúc này, bạn sẽ bắt đầu chú ý đến những khuyết điểm nhỏ nhặt của đối phương, như cách họ nói chuyện, cách hành xử, hay thói quen… – những điều có thể trở thành nguồn cơn của tranh cãi. Điều này có thể được lý giải rằng, khi cảm giác mãnh liệt ban đầu qua đi, cơ thể của chúng ta sẽ tự điều tiết các hormone hạnh phúc, làm cả hai dần nhìn nhận mối quan hệ một cách rõ ràng và thực tế hơn.
Trong giai đoạn này, có thể bạn sẽ bắt đầu cảm thấy nghi ngờ về tương lai của mối quan hệ, tự hỏi liệu mình và đối phương có thực sự hợp nhau hay không. Tuy nhiên, đây không phải là điều quá tiêu cực. Thực tế, những khó khăn và khác biệt trong mối quan hệ chính là cơ hội để hai người học cách giải quyết vấn đề và phát triển cùng nhau. Vì vậy, đừng ngần ngại đối diện với khó khăn hay mở lời trao đổi với họ, bởi đó chính là cơ hội để củng cố tình cảm và sự kết nối giữa hai người.
Giai đoạn quyết định (9 tháng)


Nếu bạn đã vượt qua giai đoạn xung đột và vẫn cảm thấy rằng mối quan hệ này có nhiều vấn đề tiềm ẩn đang âm ỉ, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để suy nghĩ về hướng đi tiếp theo. Sau khi đã đồng hành cùng nhau suốt 9 tháng, bạn nên tự đặt câu hỏi về những mâu thuẫn hiện tại, như: “Liệu chúng có thể được giải quyết, hay chúng sẽ vẫn tiếp tục tạo ra những vấn đề trong tương lai?”. Từ đó, bạn nên tự hỏi bản thân liệu mình có sẵn sàng tiếp tục đầu tư vào mối quan hệ này, hay đã đến lúc phải nghĩ về việc kết thúc nó.
Dù quyết định của bạn là gì, bạn sẽ cần đưa ra một lựa chọn dựa trên những gì tốt nhất cho bạn trong tương lai. Đôi khi, việc kết thúc một mối quan hệ không đồng nghĩa với thất bại, đó còn là cơ hội để bạn tìm kiếm sự bình yên và hạnh phúc thực sự.
Vì sao bạn nên thực hiện quy tắc 3-6-9?
Quy tắc 3-6-9 là một cách để giúp bạn hiểu rõ hơn về quá trình phát triển của một mối quan hệ. Trong 3 tháng đầu, tình yêu thường ở giai đoạn thú vị và lãng mạn, là lúc bạn và đối phương dành thời gian tìm hiểu nhau, tạo dựng những kỷ niệm đẹp và tận hưởng những cảm xúc tươi mới.
Tuy nhiên, khi mối quan hệ kéo dài từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 6, bạn sẽ bắt đầu nhận ra những khác biệt và mâu thuẫn giữa hai người. Những xung đột này có thể xuất hiện do những quan điểm khác nhau, yêu cầu cả hai phải học cách lắng nghe, thấu hiểu và chấp nhận nhau nhiều hơn.


Khi mối quan hệ đã kéo dài được khoảng 9 tháng, bạn sẽ có đủ thời gian và trải nghiệm để đánh giá mối quan hệ một cách rõ ràng hơn, từ đó có thể quyết định liệu nó có phù hợp với bạn hay không. Đây là thời điểm quan trọng để đưa ra những lựa chọn sáng suốt, giúp bạn tránh lãng phí thời gian và cảm xúc vào một mối quan hệ không xứng đáng.
Quy tắc này góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ bạn không rơi vào tình trạng mơ mộng và ảo tưởng, là cơ hội để bạn đánh giá lại mối quan hệ một cách khách quan sau một thời gian tìm hiểu đối phương. Việc có cái nhìn thực tế và hiểu rõ quá trình phát triển của mối quan hệ sẽ giúp bạn trưởng thành hơn trong tình cảm và tránh những sai lầm không đáng có.
Nhóm thực hiện
Bài: Anh Huy
Tham khảo: The Everygirl